Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Đặc Sản Ninh Bình - Dê Núi Cơm Cháy Và Rượu Kim Sơn


Dê núi Ninh Bình là đặc sản ẩm thực nổi tiếng thường xuất hiện tại những trung tâm ẩm thực lớn của đất nước như Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Hạ Long, Ninh Bình, Quy Nhơn... Dê núi Ninh Bình là loài sơn dương đá vôi chính hiệu mà người dân Ninh Bình đã biết biến lợi thế tự nhiên thành các món đặc sản thế mạnh của vùng. Dê núi Ninh Bình ăn tại "bản địa" không quá dai cũng không quá mềm, do chúng chỉ ở tầm từ 15 - 25 ký, tầm thịt ngon nhất của "đời dê". Ở dưới tầm này thịt sẽ quá mềm, và ở mức trên 30 ký, đa số dê núi sẽ được xuất đi khỏi tỉnh.

Có lẽ vậy, món tái dê ăn tại Ninh Bình mới thật là tái tê! Chúng vừa mềm vừa giòn, vị ngọt mềm của thịt và vị giòn của da, ăn với tương bần, quả sung muối, kèm thêm những đinh lăng, lá mơ, lá sung, ngò gai, húng, quế... Ưu thế tương tự cũng được dành cho món hấp. Cháo dê và dê quay là những đặc sản ít thấy ở các vùng khác. Ở những quán dê, người ta còn quay dê nguyên con, vừa bán tại chỗ vừa phục vụ cho các buổi tiệc tùng, liên hoan, cưới hỏi.

Các món ăn thông dụng từ thịt dê gồm: Tái dê, Tiết canh dê, dê nướng, lườn dê xào lăn, dê tái chanh, dê hấp sả, dê xào sa tế, dê xào thập cẩm, ngọc dương xào xả ớt, dê bóp thấu, dê hấp cách thuỷ, dê hầm rượu vang, dê nướng xá xíu Trung Hoa, sườn dê tẩm mật ong quạt than hồng, lẩu dê ngàn dặm, cháo Ngọc dương, dê xào rượu XO, óc dê chiên bột, lẩu dê khô, dê cuộn phô-mai, ngọc dương hầm thuốc bắc, thịt dê hầm phụ tử, sườn dê nướng ngũ vị, canh hạ nguyên, cà ri dê, chả dê ba lớp, dê nướng ngũ vị hương, vú dê nướng, dê nướng mọi, né mọi, dê con quay, rượu huyết dê, chân móng dê hầm thuốc...

Rượu Kim Sơn
Rượu Kim Sơn là một loại rượu nổi tiếng với hương vị đặc trưng và "sức mạnh" có thể làm gục ngã bất cứ "tay chơi" sành sỏi nào. Chỉ cần mở nút chai, bạn có thể cảm nhận ngay hương vị của đồng quê, của những bông lúa chín vàng lan toả và gió đồng ngào ngạt. Rượu Kim Sơn không làm người uống choáng váng vì hơi men mà chỉ mang lại cảm giác lâng lâng, ngây ngất, bay bổng. Thứ rượu ấy mang tên gọi một vùng đất phì nhiêu quay đê lấn biển thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng. Rượu Kim Sơn thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của rượu là càng để lâu càng ngon. Đặc biệt rượu Kim Sơn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với rắn, tắc kè, sao biển, bìm bịp .v.v. Cùng với những người con trai đất Kim Sơn di cư, rượu Kim Sơn đã lan toả đi đến nhiều vùng của Việt Nam. Ngày nay rượu Kim Sơn đã được đóng chai và bán trên thị trường và là 1 trong 7 thương hiệu rượu lớn nhất Việt Nam.

Nếu rượu được nấu từ nếp chiêm gọi là rượu chiêm và rượu được nấu từ gạo nếp vụ mùa thì gọi là rượu mùa. Men rượu được làm từ những gia đình có kinh nghiệm lâu đời tại địa phương nên rất thơm và khô. Để có men quý người ta cho vào đó một số dược liệu có tác dụng thông khí huyết, diệt khuẩn. Để có được rượu ngon người nấu phải có kinh nghiệm lâu năm, nhất là việc bảo quản ủ rượu trong các điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau. Đặc điểm nguồn nước ủ rượu và nấu rượu cũng là nhân tố quan trọng quyết định độ ngon của rượu. Thích hợp nhất không phải là nước mưa trong suốt mà là nước phù sa chứa nhiều muối khoáng. Một nồi rượu tùy thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ có thể cho từ 5 - 11 lít rượu.

Cơm cháy Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy muốn có chất lượng, đúng tiêu chuẩn phải quan tâm đầu tiên đến việc chọn gạo, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm. Để tạo xém, người ta thường dùng nồi gang dày. Khi cơm chín thì lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục cấp nhiệt. Thời gian tạo xém khoảng vài chục phút là vừa. Trong khi nấu, cần xoay tròn nồi cho nóng đều, lớp cơm cháy mỏng, trắng đều sẽ được hình thành và tự bong ra khỏi thành nồi. Người ta lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nylon dùng dần. Khi khách có nhu cầu, nhà hàng mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chưng lên. Miếng cháy nóng hổi sẽ được vớt ra cho khách dùng cùng với món súp thường bằng tim, gan, cật lợn cũng nóng hổi.

Một trong những nguyên nhân quan trọng kích thích món cơm cháy Ninh Bình cũng như rượu Kim Sơn phát triển phải nói đến sức cung dồi dào của vựa lúa khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, nơi có đất đai màu mỡ phì nhiêu hàng năm cho một sản lượng lớn các loại lúa gạo ngon như: gạo tám Hải Hậu, dự, nếp hương… Từ khi Ninh Bình phát triển mạnh các khu du lịch, món đặc sản thịt dê núi cũng góp phần trợ giúp cơm cháy Ninh Bình phát triển vì nước sốt chan cơm cũng sử dụng thịt dê, hơn nữa thịt dê ít béo nên có thể ăn với cơm cháy mà không bị ngán. Hầu như các nhà hàng ăn ở đây đều cung cấp thịt dê núi đi kèm với cơm cháy.
Ngày nay, ở Ninh Bình có nhiều nơi kinh doanh món cơm cháy, nhưng món cơm cháy gia truyền của ông Hoàng Thăng thường được dân gian coi là nổi tiếng nhất. Nó không chỉ mang theo dự vị ngọt ngào, thiết tha của những người yêu nhau trong sự đợi chờ mà còn lưu giữ và gửi gắm vào đó một thông điệp ngọt ngào: "hãy vươn lên trong cuộc sống, luôn mở rộng vòng tay, niềm vui sẽ đến". Nét độc đáo nữa của cơm cháy Ninh Bình là từ nguyên liệu sở tại tốt nhất. Khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị thơm cốm mới mà vẫn nặng nghĩa tình phù sa đất mẹ Ninh Bình.
Tổng hợp internet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét