Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

“Nấu” rượu từ… nước lã và cồn công nghiệp

Cảnh giác với "rượu quê"


(Chinhphu.vn)-Năm 2012, ngành y tế ghi nhận 643 trường hợp ngộ độc rượu, tăng 308 người so với năm 2011, trong đó có 18 người tử vong, tăng 3 người. Các trường hợp ngộ độc rượu đều từ nguyên nhân sử dụng rượu nấu thủ công, rượu tự pha chế, đặc biệt là tình trạng pha rượu từ cồn công nghiệp.

Một "lò nấu rượu cồn" ở Trương Xá, Kim Động, Hưng Yên-Ảnh: VGP/Bảo Minh
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết nhiều trường hợp ngộ độc rượu đến xét nghiệm, điều trị đều cho kết quả nồng độ Metanol, Aldehyde trong máu với hàm lượng vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, gây ngộ độc cấp tính, rối loạn tâm thần. Nguyên nhân chính là do nhiều người đã uống phải những loại rượu được pha chế bằng cồn công nghiệp, hay được nấu bằng các loại men không có nguồn gốc hay bị cấm sử dụng.

“Nấu” rượu từ… nước lã và cồn công nghiệp
Theo các nghiên cứu đã được công bố, nhu cầu sử dụng rượu, bia của người Việt Nam những năm qua tăng mạnh. Cụ thể, số liệu điều tra từ Viện Chiến lược và chính sách Y tế, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 450 triệu lít rượu, trong đó có tới 250 triệu lít rượu do người dân hoặc cơ sở nhỏ lẻ tự nấu.
Từ nhu cầu lớn này mà nhiều người đã bất chấp đạo đức để sản xuất những loại “rượu cồn” gắn mác “rượu quê”.
Thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh),  có nghề nấu rượu truyền thống, nhưng hiện nay, thay cho lò than, bếp củi, nồi đồng cùng mùi bã rượu nồng say… vào nhà bán rượu nào ở Đại Lâm cũng toàn thùng phuy nhựa màu xanh (loại 200 lít) bám kẹt đất ngoài vỏ để đựng, pha chế rượu.
Hỏi bất cứ một ai ở Bắc Ninh, mọi người đều chép miệng nói “ở Đại Lâm người ta toàn nấu rượu bằng cồn thôi”.
 “Công nghệ” pha chế rượu ở Đại Lâm là cho một lượng cồn đủ liều lượng vào thùng phuy rồi dẫn nước (nước lã) từ bể vào bằng máy bơm điện. Để tạo mùi vị, màu cho từng “loại” rượu, người “nấu” còn pha chế hương vị nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm trực tiếp vào thùng rồi dùng khuấy đều tay. Khoảng 1 giờ đồng hồ là 200 lít rượu được làm xong.
Hỏi chuyện một người phụ nữ làm nghề này thì được biết không phải lúc nào nhà chị cũng pha rượu, khi có khách (một số người gom rượu ở Hà Nội) yêu cầu trước 2 ngày thì mới bắt đầu làm. Mỗi tháng nhà chị xuất khoảng 800 lít rượu (khoảng 7.000 đồng/lít) để họ bán lại cho các quán ăn bình dân với giá 15.000 đồng/lít.
Ở Đại Lâm, sau khi đã “lên men”, rượu từ trong các thùng phuy được chiết sang những can trắng với nhiều dung tích khác nhau chờ ô tô đến chuyển đi, phần nhiều là đến khu vực Hà Nội. Sau đó, rượu tiếp tục được chuyển thẳng cho các quán ăn, nhà hàng hoặc chiết sang các can nhựa loại nhỏ hơn, dán nhãn ghi tên rượu để bán ở các tiệm tạp hóa.
“Nghe đâu họ bán tiếp cho khách với giá khoảng 25.000 đồng/lít. Rẻ thế thì nhiều người mới có tiền uống chứ”, chị này nói.
Người phụ nữ này khẳng định thêm loại cồn mà người dân ở đây sử dụng để pha rượu “đều nhập từ các nhà máy có tên, địa chỉ rõ ràng, có phải hàng quốc cấm đâu. Với lại cồn cũng là rượu đậm đặc, pha với nước để giảm nồng độ thì thành rượu mình vẫn uống chứ hại gì. Tôi có thấy sao đâu?!”.
“Rượu cồn” lên bàn tiệc
Cả nước hiện có hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu nhưng chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Như một loại bệnh dễ lây, rượu cồn công nghiệp đã xuất hiện cả ở làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang), làng Trương Xá (Kim Động, Hưng Yên)- những làng rượu nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc cũng đã xuất hiện rượu giả, pha bằng cồn công nghiệp rồi thêm hương liệu cho giống với mùi vị rượu truyền thống.
Tại Trương Xá, theo khảo sát của chúng tôi có tới hơn 10 hộ gia đình pha chế rượu bằng cồn công nghiệp.
Bà Đặng Thị Tất, người bán tạp hóa đầu làng Trương khẳng định đã có người làng dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu, nhưng không bán tại làng mà lại xuất bán cho những vùng khác quanh Hưng Yên với giá khoảng 8.000 đồng/lít.
Những lò nấu rượu truyền thống đang mai một dần vì lợi nhuận đem lại không cao-Ảnh: VGP/Bảo Minh
Rồi đến làng Vân, ông Nguyễn Trung Ca, chủ một cơ sở nấu rượu có tiếng, cũng thừa nhận “giờ rượu làng Vân ít người còn giữ được nghề truyền thống, đã có một vài nhà làm rượu bằng cồn công nghiệp rồi. Do đơn giản, giá rẻ lại có “thương hiệu” nên dễ bán và thu lợi nhanh”.
Không chỉ có cồn công nghiệp mà tình trạng mua bán, sử dụng nhiều loại men rượu không rõ nguồn gốc, không được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, cũng góp phần đưa rượu độc đến các bàn tiệc.
Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) quy định sản xuất kinh doanh rượu. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình nấu rượu thủ công phải đăng ký sản xuất với UBND xã và chỉ được bán rượu cho doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh pha chế lại rượu.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuy còn băn khoăn về cách thức triển khai nhưng nhiều người dân bày tỏ đồng tình với những nội dung mà Nghị định 94 hướng tới. Bởi nếu lỡ có “chuyện” thì còn biết nơi mà… bắt đền, nhưng trên hết là vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về chính sách y tế như Đàm Viết Cương, Vũ Thị Minh Hạnh (Viện Chiến lược và chính sách y tế), từ năm 2006 trong một nghiên cứu đã cho rằng cần phải có một Chính sách quốc gia về phòng, chống lạm dụng rượu bia. Hiện nay, Bộ Y tế đang đăng tải dự thảo chính sách này để nhân dân góp ý trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Cùng với các chính sách, hướng dẫn trên, được biết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật Phòng, chống lạm dụng rượu bia để nâng cao tính răn đe đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm pháp luật, thậm chí xử lý các người sử dụng rượu, bia không có ý thức.
Theo các chuyên gia, chỉ khi thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật, nghị định cùng với sự truyền thông mạnh mẽ thì mới thay đổi được nhận thức, thói quen sản xuất, sử dụng rượu, bia của người dân.
Thành Đào
nguồn:http://baodientu.chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét