Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Các cách giã rượu hiệu quả

Các cách giã rượu hiệu quả.

Trong các buổi tiệc, gặp mặt ngày tết thật khó tránh khỏi việc uống rượu, đôi lúc quá vui nên không kềm chế dễ dẫn đến say rượu. Say rượu ngoài việc gây mất tự chủ còn làm cho đau đầu, nôn mửa, khó chịu… và phải mất một thời gian khá lâu cơ thể mới trở lại trạng thái bình thường.





Có nhiều cách để nhanh chóng làm dứt cơn say và một trong những cách đó là dùng các loại trái cây, củ, quả… làm đồ uống giúp giã rượu. Sau đây là một số cách:Nước cà chua:
Lấy 4-5 trái, cắt đôi, ép lấy nước không cần cho thêm gì cả, uống ngay sau khi đi nhậu về, bạn sẽ cảm thấy tỉnh người ra ngay. Hoặc buổi sáng hôm sau thức dậy, bạn đừng vội ăn sáng vì dạ dày chưa thể phục hồi ngay, hãy uống một ly nước cà chua to và nghỉ ngơi một lúc, đến khi thấy người đỡ mệt và đói bụng thật sự, lúc này ăn mới ngon miệng và dễ tiêu hóa.
Nước khổ qua ép:
Rửa sạch hai trái khổ qua (mướp đắng) lớn, cắt đôi theo chiều dọc, bỏ hạt. Ép lấy nước, hòa với một chút muối. Nếu không có máy ép, cắt nhỏ khổ qua cho vào máy xay sinh tố xay, xong lược bỏ xác. Uống lạnh sẽ ít đắng hơn, khổ qua tính mát, có tác dụng giải độc gan, vì thế ngoài tác dụng giã rượu, bác sĩ khuyên thường xuyên ăn khổ qua để giải nhiệt và giúp gan hoạt động tốt, ngăn ngừa được nhiều bệnh, đặc biệt là tiểu đường.
Nước đậu xanh nấu:
Nếu biết trước sẽ phải tham gia một cuộc nhậu ác liệt, trước khi đi bạn nên bỏ một nắm đậu xanh nguyên hạt vào nồi cùng với một tô nước to, nấu đến khi đậu xanh chín thì tắt lửa để đấy. Lúc nhậu về mà thấy say thật, nên cố gắng uống hết nước và ăn hết “cái” luôn (nếu vẫn còn ăn được) trước khi đi ngủ. Sáng mai, bạn sẽ thấy đỡ mệt nhiều.
Nước cóc ép:
Cóc là loại trái cây chứa nhiều vitamin C nhất, do đó nước cóc ép giã rượu rất tốt. Bạn gọt vỏ, dùng dao cắt chung quanh trái cóc rồi bỏ vào máy ép lấy nước, cho vào một ít muối cho đỡ chua. Chỉ nên uống nước cóc ép ngay sau bữa nhậu, không nên uống vào sáng hôm sau, sẽ không tốt cho dạ dày, nhất là những người bị chứng thừa axít.
Nước chanh nóng:
Nước chanh nóng không đường và có vài lát gừng sẽ rất tốt cho những lần đi uống rượu về bị mắc mưa. Nó giúp giải được rượu và chống cảm lạnh. Bạn rót nước nóng ra tách, pha thêm chút nước nguội cho vừa uống, vắt chanh vừa uống, cắt vài lát gừng thả vào, cho thêm một tí muối nữa cho đỡ chua. Chỉ cần nhắm mắt uống một hơi hết ly, ngậm luôn lát gừng vào miệng là cảm thấy đỡ mệt và đỡ lạnh ngay.
Nước chè xanh:
Nước chè xanh nóng chỉ dành cho những lần say nhẹ. Sau cuộc nhậu lai rai, câu chuyện vẫn chưa muốn dứt thì một bình chè xanh nóng, có thả vài bông cúc là lý tưởng nhất. Vừa uống chè xanh vừa chuyện trò sẽ rất thú vị. Sau vài chén chè xanh, mọi người sẽ thấy tỉnh táo hẳn, có thể ra về bằng xe máy như lúc đến.
Lòng trắng trứng gà
Khi bị say rượu, có thể ăn 2 lòng trắng trứng gà còn tươi. Chất cồn chưa bị hấp thụ trong dạ dày khi gặp protein trong lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa. Điều này không chỉ giảm bớt lượng rượu được hấp thu mà còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượi
*Ngoài ra, bạn cũng có thể giải rượu bằng một trong những cách sau, tùy theo trong kho thực phẩm nhà bạn lúc này đang có gì.
- Giấm 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát giã nát, hoà lẫn rồi uống.
- Búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, cho đường và giấm để ăn.
- Củ mã thầy rửa sạch, gọt vỏ, ăn sống hoặc giã lấy nước uống.
- Mía rửa sạch, róc vỏ, ép hoặc nghiền nát, chắt lấy cho người say uống dần, vài lần sẽ tỉnh.
- Mứt hồng ăn 2-4 quả một lần, uống nước nóng. Hoặc ăn một quả hồng tươi, hoặc giã nát lấy nước uống.
- Đậu chao (đậu phụ để chua) 30g, hành khô 5 củ, nấu canh ăn cả nước lẫn cái.
- Cà phê đặc uống nhiều lần, dùng khi người say có hiện tượng thiếp đi.
- Uống nước cơm. Cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó có thể giảm bớt lượng cồn bị hấp thụ.
- Củ sắn dây 25-50g (hoặc hoa sắn dây 10-15g) nấu nước uống.
- Giã một ít khoai lang sống, trộn với một ít đường để ăn.
- Ngó sen tươi thái thành sợi, thành miếng, trộn với đường và giấm để ăn. Cũng có thể giã ngó sen, vắt lấy nước uống.
- Rau cần vắt lấy nước uống, không những có thể giã rượu mà còn giúp người say không bị choáng váng khi tỉnh rượu.
- Trứng muối một quả, ăn từ từ với giấm.
- Ăn các loại quả chua như vải, táo tây, cam, quýt hoặc dâu tươi. Nếu không có quả tươi, có thể lấy quả khô đun với nước, cho đường vào uống.
- Sữa bò lẫn với cồn rượu, làm vón kết chất đạm, trì hoãn sự hấp thu cồn rượu trong dạ dày, và có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Vỏ bưởi tươi xắt vài lát rửa sạch, thêm một nước lượng vừa, sắc uống.
- Củ cải trắng tươi 0,5 kg rửa sạch, gọt vỏ vắt lấy nước, uống thay trà, hay nước vắt củ cải trắng thêm đường cát trắng lượng vừa để uống. Mỗi lần 1 ly, uống liền vài lần, có tác dụng giải rượu và khử mùi rượu.
*Đặc biệt, không uống nước có gas. Một số người cho rằng loại nước này cũng có thể hoá giải rượu tốt. Đây là quan niệm rất sai lầm vì gas có thể làm cho cồn nhanh chóng lan toả khắp người và sinh ra một lượng lớn CO2, rất có hại cho dạ dày, ruột, gan, thận. Ngoài ra, chất này còn ảnh hưởng đến tim và hệ thống thần kinh trung ương, gây nên tình trạng hưng phấn quá mức hoặc hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi say rượu, tuyệt đối không được uống nước có ga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét